Clip diệt chuột dưới nước
Clip chuột sập bẫy bán nguyệt không cần mồi. Bẫy dưới nước...
Bẫy chuột không cần mồi
Nông dân Trần Quang Thiều bắt đầu “nghề” diệt chuột từ năm 1999. Khi đó, ông được bà con xã Văn Bình tín nhiệm bầu làm đội trưởng đội sản xuất nhờ mạnh dạn đưa giống lúa năng suất cao vào trồng trên đồng đất thôn Bình Vọng. Tuy nhiên, đúng thời điểm gieo mạ thì chuột bắt đầu hoành hành. Ước tính, giặc chuột phá hoại hơn 10% sản lượng lúa, hoa màu của dân làng. Nhiều người phải bỏ ruộng hoang vì không có cách nào tiêu diệt lũ chuột quái ác.
Ông Thiều trăn trở lắm. Bao nhiêu công sức, tâm huyết của ông đổ ra trên cánh đồng này chẳng nhẽ sẽ tan tành mây khói. Không chịu bỏ cuộc, ông đạp xe lên thị trấn lùng mua các loại bẫy, thuốc diệt chuột về dùng thử. Nhưng bao nhiêu bả, bẫy ông mua về đều không đem lại kết quả như ý muốn. Vừa xót của, vừa “cay”, ông quyết tâm tìm mọi cách để trừng trị lũ chuột.
Quan sát chiếc bẫy bán nguyệt ông Thiều phát hiện ra nó có khá nhiều nhược điểm như lò xo yếu, móc sắt ngắn và lại dễ bị xê dịch khi chuột mắc phải vì không có cọc cắm cố định. Từ quan sát đó, ông Thiều mày mò cải tiến và tạo ra một loại bẫy mới khắc phục được hầu hết những hạn chế kể trên.
“Có bẫy rồi tớ lại phải mất hàng tháng trời để quan sát đường đi lối lại của chuột trên đồng ruộng, trên dây, trên cây và trên tường nhà… Giống này ngu lắm, chỉ biết đi đúng một đường duy nhất thôi. Không quá khó để xác định lối mòn của chúng vì trên mặt đất mềm bao giờ chuột cũng để lại dấu chân…”.
Cắm cọc, đặt bẫy. Nghề “cha truyền con nối”
Ông Thiều kể, có lần ông theo chân một đoàn cán bộ lên công tác trên vùng đồi ở Bắc Ninh. Khi đến đó, mỗi người nắm trong tay một nắm bẫy chuột và thi nhau leo lên đồi. Riêng “giáo sư” diệt chuột thì lẳng lặng đi men xuống chân đồi tìm những vùng có nước để đặt bẫy. Kết quả, có những vị cán bộ cầm cả chục bẫy mà chẳng “tóm” được con nào trong khi ông Thiều xách về cả một bao tải chuột. Ông giải thích: “Hồi đó là tháng 12 dương lịch, trời không có mưa nên vùng đất đồi khô cạn. Tớ đoán lũ chuột bị khát thể nào cũng kéo xuống chân đồi tìm nước. Vì thế, cách đặt bẫy hiệu quả nhất là đặt ven các ao hồ hoặc vũng nước”.
Kỉ lục diệt chuột ông Thiều lập được là lần đánh bắt tại Yên Phú, Thường Tín, Hà Tây. Trong một đêm, ông diệt gần 2.000 con chuột chỉ với 800 cái bẫy. Sáng hôm sau, bà con Yên Phú lũ lượt kéo nhau tới sân kho hợp tác xã để chứng kiến cảnh hàng đống chuột chết phơi thây.
Nghề diệt chuột đã trở thành nghề cha truyền con nối trong gia đình ông Thiều. Anh con trai thứ của ông là Trần Quang Tại cũng là một dũng sĩ diệt chuột cừ khôi. Hiện anh Tại được nhà máy Sữa Hà Nội thuê đánh chuột với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Cậu con út là Trần Quang Nghìn đang học lớp 12 nhưng sau giờ học cũng theo gót cha đi bẫy chuột khắp nơi.
Thường thì người ta chỉ mời cha con ông Thiều tới khi không còn cách nào để tiêu diệt lũ chuột quái ác. Mỗi lần “giáo sư” ra tay là hàng trăm, hàng nghìn chuột lại sập bẫy. Ông Thiều bảo, bẫy của ông nếu đặt 100 chiếc thì bao giờ cũng phải có 100 chuột phơi thây trở lên. Thậm chí, bẫy xong ông còn tính được khu vực đó còn bao nhiêu chuột và có cần phải đánh nữa hay không.
Cách kiểm nghiệm của ông Thiều rất đơn giản. Sau khi chuột sa bẫy ông không nhấc vội mà thả quanh đó vài hạt thóc. Nếu sáng hôm sau số thóc bị mất thì chứng tỏ vẫn còn khá nhiều chuột và công việc của ông chưa thể dừng lại.
Nông dân ở nhiều tỉnh thường dùng các biện pháp thủ công để bảo vệ cây lúa như quây ni lông quanh ruộng để chặn chuột xông vào cắn phá. Tuy nhiên, theo phân tích của ông, cách này vừa tốn kém lại không hiệu quả bởi chuột vẫn có thể cắn nilon chui vào theo một đường cố định. Vì thế, chỉ cần xác định con đường đó và đặt bẫy chứ không cần phải mua cả đống nilon và dây rợ lằng nhằng để quây ruộng.
Nhờ sáng kiến này mà “giáo sư” diệt chuột đã giúp bà con nông dân Khoái Châu, Hưng Yên vừa bảo vệ được mùa màng vừa tiết kiệm được tiền vốn đầu tư.
Soạn: AM 321345 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Một trong ngàn trang “giáo trình”của ông Thiều.
“Giáo trình” diệt chuột dày nghìn trang
Cho đến giờ, ông Thiều đã đi gần hết các tỉnh vùng đồng bằng trung du Bắc bộ để diệt chuột. Mỗi lần đi là một lần ông thu thập được những kiến thức, kinh nghiệm mới. “Giáo sư” ghi chép hết những kiến thức, kinh nghiệm đó vào một cuốn sổ và tập hợp thành một tập dày cả nghìn trang.
Cuốn “giáo trình” được ông Thiều tóm tắt trong Công thức tám – sáu. Tám là 8 cách quan sát quy luật hoạt động của chuột như dựa vào dấu chân, đường chạy, cửa hang… Còn sáu chính là 6 cách đặt bẫy tài tình: đặt trên đường mòn, trên dây phơi, trên mặt nước hay ruộng khô…
Mỗi địa hình ông đều chỉ ra cách thức đặt bẫy khác nhau. Chẳng hạn, khi chuột leo từ tường nhà xuống, chúng cũng chỉ leo hết khoảng 3/4 quãng đường. Cách đất chừng gần một mét chuột sẽ nhảy xuống chứ không bao giờ leo tuột xuống tận chân tường. Vì thế, để trừng trị lũ ranh mãnh, người đánh chuột phải đoán được vị trí chuột nhảy xuống và đặt bẫy tại đó thì mới “thắng”.
Trong một cuộc Hội thảo về bảo vệ thực vật, các chuyên gia Đan Mạch sau khi đọc tập “giáo trình” của ông Thiều đã vô cùng ngạc nhiên. Họ không ngờ một nông dân Việt Nam bình thường lại có thể có được kiến thức phong phú đến vậy. Một chuyên gia Đan Mạch đã nói trước toàn hội nghị rằng: “Đây là một nông dân kì lạ. Nếu gọi ông ta là một nhà khoa học về chuột thì cũng không quá lời…”.
- » “Vua diệt chuột… chân đất” nhận giải Vifotec
- » Vua Diệt Chuột Và Bằng Khen Của Thủ Tướng
- » Vua diệt chuột – Báo Kinh tế, Đô thị
- » Khắc tinh của loài chuột
- » Một “giáo sư” nắm giữ 16 triệu “linh hồn” chuột
- » Người không đội trời chung với… chuột
- » “Vua diệt chuột” Trần Quang Thiều
- » Người nông dân – doanh nghiệp… diệt chuột